Bộ Xây dựng trả lời về Hình thức in nhật ký thi công xây dựng công trình
1. Công ty CP Giá Xây Dựng hỏi:
Để thúc đẩy việc ứng dụng phần mềm Quản lý chất lượng công trình GXD (gọi tắt là QLCL GXD) vào công việc, chúng tôi có hướng dẫn các Chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn giám sát và các Nhà thầu như sau:
Tại Khoản 2, Điều 10 của Thông tư số 26/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng có quy định về Nhật ký thi công xây dựng công trình: “2. Chủ đầu tư thoả thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình“. Theo đó thì Chủ đầu tư và Nhà thầu có thể thỏa thuận trong hợp đồng về hình thức nhật ký là: dùng phần mềm QLCL GXD để lập nhật ký thi công, nội dung nhật ký theo Khoản 3 Điều 10, in nhật ký ra hàng ngày, rồi ký và đóng vào kẹp file, không có quy định phải đóng dấu giáp lai, có sự kiểm soát của Tư vấn giám sát trưởng và Chỉ huy trưởng.
Chúng tôi hiểu Thông tư số 26 và hướng dẫn các bên áp dụng như trên có đúng không? Nếu chưa đúng thì sửa lại như nào là phù hợp? Rất mong nhận được sự hướng dẫn cụ thể của Quý Cục để Công ty Giá Xây Dựng góp phần phổ biến các quy định trong Thông tư của Bộ và ứng dụng công nghệ thông tin được đúng đắn.
2. Bộ Xây dựng trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Cục Giám định có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 25/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Thông tư số 26/2016/TT-BXD), Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình ; các nội dung chủ yếu của nhật ký thi công được quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD.
Vì vậy, hình thức lập nhật ký thi công xây dựng công trình của Công ty Cổ phần Giá Xây Dựng là phù hợp nếu được Chủ đầu tư chấp thuận và thỏa thuận áp dụng với nhà thầu thi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư và các nhà thầu phải có biện pháp quản lý, lưu trữ đầy đủ các thông tin của nhật ký thi công xây dựng để đảm bảo tính chính xác, trung thực, phù hợp với quá trình thi công xây dựng công trình.
Cục Giám định, nguồn trên trang Bộ Xây dựng: http://moc.gov.vn/vn/pages/ChiTietHoiDap.aspx?chID=903
3. Tải file công văn hỏi đáp và mẫu đề xuất, chấp thuận
- File mẫu đề xuất sử dụng hình thức nhật ký in dành cho Nhà thầu, Tư vấn giám sát
- File chấp thuận sử dụng hình thức nhật ký in dành cho Chủ đầu tư, Ban QLDA
4. Quy định về nhật ký thi công xây dựng tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP
Ngày 26/01/2021, Chính phủ đã có Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Quy định về Nhật ký thi công xây dựng công trình tại Điều 10 của Thông tư số 26/2016/TT-BXD được đưa vào Phụ lục IIa của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, không sai dấu chấm dấu phẩy nào, nhưng tính pháp lý cao hơn.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng: “Hy vọng với quy định và giải đáp rõ như này, năm 2021 các bác Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát áp dụng 4.0 vào. Chứ cứ 0.4 mãi như này thì BXD ta lúc nào cũng xếp bét bảng về chỉ số ứng dụng CNTT“.
Phụ lục IIa của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định về Nhật ký thi công xây dựng công trình:
1. Nhật ký thi công xây dựng công trình do nhà thầu thi công xây dựng lập cho từng gói thầu xây dựng hoặc toàn bộ công trình xây dựng. Trường hợp có nhà thầu phụ tham gia thi công xây dựng thì tổng thầu hoặc nhà thầu chính thoả thuận với nhà thầu phụ về trách nhiệm lập nhật ký thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.
2. Chủ đầu tư thoả thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình.
3. Nội dung nhật ký thi công xây dựng bao gồm các thông tin chủ yếu sau:
a) Diễn biến điều kiện thi công (nhiệt độ, thời tiết và các thông tin liên quan); số lượng nhân công, thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường; các công việc xây dựng được nghiệm thu hàng ngày trên công trường;
b) Mô tả chi tiết các sự cố, hư hỏng, tai nạn lao động, các vấn đề phát sinh khác và biện pháp khắc phục, xử lí trong quá trình thi công xây dựng công trình (nếu có);
c) Các kiến nghị của nhà thầu thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng (nếu có);
d) Những ý kiến về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công xây dựng của các bên có liên quan.
4. Trường hợp chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình phát hành văn bản để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trên công trường thì các văn bản này được lưu giữ cùng với nhật ký thi công xây dựng công trình.