Sau 10 năm thong thả kiếm tiền, ở tuổi 35, tôi bàng hoàng nhận ra làm lụng cả đời cũng không đủ trả cho sự lười biếng của tuổi trẻ
Nửa đời trước ỷ lại, lười nhác chính là tự đào hố để chôn mình vào nửa đời sau.
Hai hôm trước, nhà tôi bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết, ba mẹ tôi có thuê một người về để lau chùi cửa kính. Người được ba mẹ tôi lựa chọn là một cậu thanh niên nhìn mặt già hơn tuổi rất nhiều. Cậu thanh niên ấy trước khi đến nhà chúng tôi, đã làm việc liên tục cho mấy nhà liền nên nhìn sắc mặt trông khá nhợt nhạt và mệt mỏi, còn đôi bàn tay nứt nẻ vì lạnh. Cậu ấy khá giỏi ăn nói, năm nay 35 tuổi, lên thành phố kiếm kế sinh nhai đã 10 năm rồi; có bạn gái nhưng chưa mua được nhà nên cứ trì hoãn, chưa dám kết hôn.
Hỏi cậu tại sao lại đến thành phố này làm ăn? Cậu ta chỉ trầm xuống một lúc rồi bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình.
Cậu sống ở một huyện nhỏ, thời đi học cũng là một cậu học sinh giỏi, được gia đình gửi gắm hi vọng rất nhiều, khó khăn lắm mới thi được vào một trường cấp ba ở trên tỉnh. Rồi chính từ ấy, cái thế giới sắc màu rực rỡ ấy đã lôi cuốn cậu đi chệch hướng. Dần dần không còn hứng thú học hành nữa, ngày nào cậu cũng đi theo lũ bạn trốn học đi chơi game. Phải cố gắng lắm, cộng thêm một chút may mắn, cậu mới học được hết lớp 12 để tốt nghiệp trung học phổ thông ra trường.
Sau đó, cậu bắt đầu lên thành phố để lang bạt kiếm sống. Song, một đứa thanh niên mới lớn không có học thức, lại chẳng sở trường gì thì làm sao để sống trong cái thị thành này? Cậu đi làm thợ phụ ở các công trình, đi làm công nhân ở nhà máy, đi làm nhân viên giao hàng, dốc sức làm 10 năm ròng, tiết kiệm được một khoản nho nhỏ.
Bạn học ngày nào với cậu, giờ có đứa đã làm luật sư, đứa thì chuẩn bị đi nước ngoài học lên cao hơn, chỉ có cậu đến tầm tuổi này vẫn chưa làm được trò trống gì. Nói đến đây, cậu thanh niên cười một cách chua xót và nói: “Có điều giờ hối hận thì cũng chẳng để làm gì, bây giờ có cố gắng thì có lẽ cũng chẳng thể đuổi kịp những người khác rồi.”
Nghe xong câu ấy, lòng tôi có chút ngậm ngùi. Xung quanh tôi cũng có rất nhiều người giống như cậu thanh niên ấy, lúc còn đi học, không chịu khó học hành, thời đi làm lại không nỗ lực, cố gắng, lúc nào cũng thích mơ mộng, bay bổng, cứ nghĩ mình là ông giời. Kết quả, qua vài năm, trông những đứa ngày xưa chỉ biết cắm đầu học khổ sở thế nào thì giờ từng đứa từng đứa một đều có cuộc sống sung túc, đầy đủ. Lúc ấy mới bừng tỉnh, hóa ra chính lúc mình không để ý thì sớm đã bị rớt lại phía sau.
Sự lười biếng của nửa đời trước chính là đào lỗ để chôn chính mình cho nửa đời sau.
Có một bài báo viết thế này: Sự thất bại lớn nhất của đời người không phải là “Tôi không làm được” mà là “Tôi vốn dĩ có thể”. Vốn dĩ có thể chăm chỉ học hành, vốn dĩ có thể thi vào một trường tốt, vốn dĩ có thể tìm được một công việc tốt, vốn dĩ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa, vốn dĩ có thể có một cuộc sống tốt hơn bây giờ,… Bạn vốn dĩ có thể làm được, nhưng bạn lại tự tay mình quyết định buông xuống. Cho đến hôm nay, hối hận rồi…
Nhưng may mắn là, nếu bây giờ thay đổi thì vẫn còn kịp!
Nỗi khổ phải chịu khi còn trẻ vẫn còn nhẹ nhàng hơn nỗi đau phải trưởng thành. Trước kia, có lần tôi về nhà, tôi đang chạy đuổi theo đứa cháu gái vì nó giận dỗi bởi không muốn đi học phụ đạo. Tôi vừa dỗ dành, an ủi vừa bế nó vào phòng để hỏi chuyện xem tình hình như thế nào!?
– Con bé làm bộ mặt ấm ức: “Cháu không muốn đi học thêm, cũng không muốn đi học luôn, học vừa mệt lại vừa nhức đầu!”
– Tôi cười bảo: “Đợi khi nào cháu lớn lên cháu sẽ hiểu khó khăn của việc đi học không thấm gì so với khó khăn ngoài cuộc sống kia đâu.”
Khi tuổi còn nhỏ, cuộc sống chỉ có một việc là đi học, cứ nghĩ rằng là mỗi ngày phải dậy sớm đi học, tối về lại còn phải làm bài tập về nhà, như vậy là khổ sở lắm rồi. Lớn lên rồi mới biết, so với áp lực về tính chi tiêu hàng tháng, áp lực nặng nề từ công việc, mấy thể loại khách hàng củ chuối,… thì cái khổ của học hành có đáng là gì cơ chứ!
Có một chuyên gia nổi tiếng đã dùng khoảng thời gian 1 tháng của mình để trải nghiệm sống một cuộc sống khổ cực với những người dân nghèo, tầng lớp tận cùng của xã hội ở Hồng Kông. Mỗi ngày, anh ấy phải làm việc mười mấy tiếng đồng hồ, nửa đêm mới được về nhà ngủ, tiền công làm được chỉ đủ ăn và trả tiền thuê nhà, còn chẳng dư ra được mấy đồng. Khi cuộc thử nghiệm kết thúc, anh ấy chua xót: “Xã hội đang trừng phạt quá nghiêm khắc những người không được học hành!”. Không có học thức, không có kỹ năng để có thể sống, phải làm việc đến nửa đêm trong những khu nhà ổ chuột. Việc quan trọng với họ là bữa sau ăn cái gì, như vậy thì đâu còn thời gian và tinh thần để mà nghĩ về tương lai sẽ ra sao? Quay đi quay lại, đâu đâu cũng đều là ngõ cụt!
Trong xã hội có sự chênh lệch rất lớn về kẻ mạnh và kẻ yếu, kẻ yếu nếu không biết cố gắng thì cuộc sống sẽ ngày càng trở nên thảm hại hơn!
Khi bạn có điều kiện được học hành, nhất định phải nỗ lực học tập. Những khó khăn khi ấy chính là đang vẽ ra con đường để bạn đi đến thành công sau này. Học vấn mặc dù là một tờ giấy, nhưng không phải chỉ là một tờ giấy trắng.
Cũng như thế, học lực kém sẽ nói lên thành tích học tập không tốt, nhưng cũng không có nghĩa là chỉ có thành tích học tập không tốt. Có học tập đàng hoàng hay không? Có dùng hết sức trẻ để nỗ lực, để cống hiến hay không? sẽ tạo thành hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau!
Nếu bạn không cố gắng vươn lên thì con bạn sẽ một đời thấp kém! Điều quan trọng hơn cả là, nửa đời trước bạn không cố gắng thì không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo.
Một nhà văn nổi tiếng từng nói qua một câu chuyện thế này: Anh ấy có một người quen, khi còn trẻ đi làm ở một xưởng làm giấy, chế độ đãi ngộ rất tốt, thời gian lâu dần anh ta trở nên lười nhác, lại đam mê mấy món cá độ. Qua được vài năm, xưởng giấy bị đóng cửa, anh ấy mất việc. Những công nhân khác mau chóng đi tìm kế sinh nhai mới, riêng anh ta thì vẫn không chịu tìm việc, lại còn dính vào bán hàng đa cấp. Anh ấy như vậy, đến con cái cũng không còn muốn quản thúc, con trai anh ấy ngày nào cũng đi đánh nhau, chơi game, cố cho học hết tốt nghiệp ra trường thì do học lực kém, căn bản cũng không thể tìm được việc gì làm. Một phép so sánh chân thực nhất, anh trai của anh ấy lại chịu khó, giỏi giang, có con thi đại học đạt 29 điểm, sau khi tốt nghiệp đại học còn tiếp tục đi Mỹ để học chuyên sâu hơn.
Câu chuyện nói trên khiến cho người ta phải suy ngẫm: “Những người không cố gắng, nỗ lực thì không chỉ không làm nên sự nghiệp gì mà còn để con cái của chính mình phải chịu sự thấp kém. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con mình, nếu đến cha mẹ hàng ngày đều lười biếng, không muốn cố gắng vậy thì con cái có lẽ cũng sẽ như vậy mà học theo, dần dần trở nên buông thả, không còn sự cầu thị. Ngược lại, nếu bố mẹ chăm chỉ làm việc, tích cực trong cuộc sống, có những hướng đi đúng đắn, có cách giáo dục lương thiện, con cái tự nhiên sẽ “mưa dầm thấm lâu”, cũng sẽ trở nên chuyên cần và có chí tiến thủ. Cha mẹ chính là bệ phóng dành cho con cái, nếu như cha mẹ chỉ đang cố sống qua những ngày tạm bợ thì con cái làm sao để có thể theo đuổi những ước mơ ở phương trời xa xôi?” Bạn có lý do gì để hối hận khi không biết điều đó sớm hơn không?”
Có một người phát biểu thế này: “Ở nửa trước của cuộc đời mà bạn lười không chịu học, lười không chịu làm, nửa đời sau sẽ càng trở nên khó khăn bội phần.”
Không phải thứ gì cũng bắt buộc phải học. Nhưng bất kì điều gì tốt bạn có thể lĩnh hội được cũng sẽ giúp bạn trở thành người tốt hơn. Biết càng nhiều thì bản lĩnh của bạn càng lớn. Biết thêm một thứ, sau này bạn sẽ bớt đi một lần chịu nhục để cầu xin người khác điều gì. Tất cả những sự lười nhác của bạn cuối cùng sẽ đều biến thành một cây gậy đánh ngược trở lại bạn mà thôi. Những sự lười biếng đó, những lần “tiết kiệm” sức lực đó, lúc ấy vẫn còn nghĩ là mình đã tận dụng được lợi thế vào thời điểm đó, mình được lời. Sau vài năm mới hiểu ra, tất cả những thứ mình đã hưởng đó là sự đánh đổi trước mà thôi!
Nhân sinh chính là định luật bảo toàn: Tuổi trẻ lười biếng sẽ tạo nên những giọt lệ cho những hối hận khi đã chín chắn. Tất cả những sức lực mình đã lười không muốn dùng đến sẽ trở thành những vết sẹo đau đớn ta phải mang theo suốt cuộc đời về sau. Nửa đời không biết nỗ lực, nửa đời còn lại sẽ trở thành “lực bất tòng tâm”. Cuộc đời không có sự bắt đầu nào là quá muộn, cũng không thiếu sự tỉnh ngộ mà phải trả cái giá đắt. Điều đáng nói là một bộ phận người đang cố gắng để tìm kiếm sự thay đổi, một bộ phận khác thì vẫn đang mắc kẹt trong hố sâu mà tự mình không hay biết!
Nguồn: Sưu tầm! (chúng tôi sưu tầm bài viết từ trên mạng facebook, nên không biết tác giả, nếu bạn là tác giả xin hãy comment để GXD bổ sung nhé).