Chia sẻ kinh nghiệm của một Kỹ sư đô thị về lựa chọn công việc
Đây là bài chia sẻ kinh nghiệm của Kỹ sư Nguyễn Hữu Lượng post trên facebook cá nhân. Đọc thấy hay nên tôi xin đăng tải lại chia sẻ lại để các bạn trẻ tham khảo.
Tối qua trong câu chuyện phiếm nghĩ về những kỉ niệm những ngày bước ra trường đi làm năm 2016, mình rất tự hào vì đã tham gia dự án tại VUD. Nơi cho mình rất nhiều những kinh nghiệm, kĩ năng, cách tổ chức… dù có hơi cực và hi sinh những ngày đi làm tối làm nghiên cứu thêm để bổ túc kiến thức, kinh nghiệm… Nhưng đó là những trải nghiệm quý báu mà không phải lúc nào cũng có được.
Nhưng duyên kỳ ngộ không được lâu, mình chuyển sang giai đoạn tìm một hướng mới tại 1 công ty khác , nơi cũng cho mình một trải nghiệm hoàn toàn mới, những ngày thức dậy sớm đi công tác, đi trải nghiệm… cũng cho mình rất nhiều cảm xúc về công việc tư vấn xây dựng phải setup ra sao? làm như thế nào ?…
Hai công việc trên, một công việc cho mình một khoản thu nhập nhỏ (so với thu nhập của mình lúc đó), một công việc phát sinh nên chẳng có thêm đồng nào, nhưng mình rất vui vì cái mình thu nạp cho bản thân là kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức, và dù có bỏ số tiền lớn ra học thì cũng ít có cơ hội trải nghiệm thực tế như vậy.
Hay khoảng thời gian nghỉ việc nửa nằm vừa rồi nói vui chứ nghỉ việc để tìm định hướng mới cho bản thân, giải lao, tìm kiếm những cơ hội mới… cũng cho mình 1 trải nghiệm và kiến thức mới . Đánh dấu nhiều bước ngoặt trong cuộc sống.
Nói ở đây, để thấy rằng, nhiều người chọn cái lợi trước mắt, chọn hơn thua thiệt hơn. Nhưng không biết được rằng, chúng ta chẳng bao giờ thiệt thòi ở bất cứ cái gì. Nếu chúng ta đặt vị thế đi kiếm tiền thì hãy kiếm tiền ở nơi xứng đáng nhất với cái mình bỏ ra. Nếu đặt thử thách, trải nghiệm và học hỏi lên hàng đầu hãy xem tiền bạc là thứ yếu và cái có được còn hơn thế ở những nơi sẵn sàng cho mình cơ hội để có thể thử sức.
Từ suy nghĩ đó, nhiều dự án mới mình cũng lao đầu vào làm, có những kỉ niệm cách đây chắc cũng 2-3 năm, hay mới chỉ mấy tháng vừa qua thôi. Những ngày đó mình cũng làm dự án cùng người anh, lúc đó trong người còn rất ít tiền, chắc đủ đi xe thôi, nhưng vẫn vui vẻ làm cho ok chứ không mở miệng nói tiền bạc gì cả. Hay như sau đó, vài dự án khác, khi được giao làm, cũng cố gắng làm xong xuôi, ok hết thì nhận được khoản thù lao tương xứng. Nếu họ trả bạn cao tức là bạn có giá trị trong con mắt kinh doanh của họ. Nếu họ trả bạn không hài lòng, thì hoặc là họ đánh giá bạn không cao hoặc là bạn tự đánh giá giá trị bản thân mình cao quá. Suy cho cùng, thì những con số có ý nghĩa với bạn như thế nào, đều hoàn toàn do bạn quyết định.
Nói dông dài thế để tóm gọn lại một điều rằng, cuộc sống này mình phải đặt đúng giá trị lao động đi kèm với giá trị tri thức. Văn hoá lao động ở Việt Nam ngoài chuyện làm việc chuyên môn còn đặt vào đó tình cảm chi phối. Nếu bạn giỏi bạn có quyền đòi hỏi nhưng người ta vẫn có quyền từ chối bởi trong mắt họ bạn chưa đủ giỏi để nhận được đề nghị xứng đáng như vậy. Hoặc thái độ làm việc của bạn khiến người ta không đánh giá cao sự phù hợp của bạn trong tổng thể một tập thể nào đó.
Là người lao động, mình nghĩ mỗi chúng ta nên tập thói quen ghi ra những thứ mình sẽ đạt được, sẽ mất đi ở một công việc nào đó, rồi sẽ tự có câu trả lời cho mình. Nhưng nhớ rằng, cái kinh nghiệm thì nó không cho bạn kết quả liền đâu, nhiều khi vài năm sau đó, hay thậm chí rất lâu, bạn mới thấm thía. Đến khi ấy bạn sẽ không tiếc về những gì mình đã cực khổ để có được một hành trang như ngày hôm nay.
Là một Kỹ sư đô thị, Nguyễn Hữu Lượng tốt nghiệp tháng 06/2016, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội. Chuyên môn làm quy hoạch + lập dự án đầu tư và thiết kế thi công. Hiện đang điều hành 1 doanh nghiệp, 1 quỹ và 1 công việc tại một cơ quan lớn thuộc Bộ Xây dựng…
Nhân đây cũng xin chia sẻ với bạn đọc một đoạn trích từ lời khuyên của Tỷ phú Lý Gia Thành – người giàu nhất Hồng Kông và được nhiều người dân Hồng Kông yêu quý, sùng kính.
“Khi bạn nghèo, hãy ở nhà ít thôi và ra ngoài nhiều hơn. Còn khi đã giàu rồi, hãy làm ngược lại. Khi bạn nghèo, hãy tiêu tiền cho người khác, còn giàu rồi thì hãy chi cho mình. Đây là nghệ thuật sống.
Khi nghèo khó, hãy đối xử tốt với mọi người, đừng tính toán. Còn khi đã giàu rồi, hãy học cách để người khác đối tốt với bạn.
Khi còn nghèo, hãy quăng mình ra ngoài và để người khác tận dụng bạn thật tốt. Nhưng khi giàu có, hãy bảo vệ mình, đừng để người khác lợi dụng.“