Như đã giới thiệu, CEM-ers THÀNH ĐẠT sẽ là góc chia sẻ những kinh nghiệm của anh chị khóa cũ về những bước đi để thành công trong cuộc sống. Và “mở hàng” cho series của chúng ta là anh Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Viện Kinh tế Xây dựng.

Cái tên Nguyễn Thế Anh đã trở nên rất quen thuộc và là thần tượng trong lòng không ít thế hệ sinh viên xây dựng nói chung cũng như sinh viên kinh tế xây dựng nói riêng. Với những ý tưởng, những đóng góp không mệt mỏi trong công tác xây dựng, quản lý các trang web như: www.giaxaydung.vn, www.giaxaydung.com, www.kinhtexaydung.gov.vn.

Anh đã đem lại nguồn học liệu, nghiên cứu hữu ích cho “dân kinh tế chúng ta”. Không chỉ như vậy, anh Thế Anh còn là một người luôn quan tâm tới lợi ích của cộng đồng, luôn ấp ủ những dự án giúp đỡ, hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên.

Mặc dù lịch làm việc bận rộn, nhưng anh Nguyễn Thế Anh vẫn dành thời gian tiếp đón và trả lời hết tất cả các câu hỏi mà phóng viên của Ban Truyền Thông đưa ra. Tiếp xúc với anh, chúng tôi mới biết được tại sao anh lại sớm thành công trong sự nghiệp và cả trong cuộc sống gia đình: đó chính là một đam mê mãnh liệt cho công việc và một tình yêu tuyệt đối cho gia đình.

Hãy lắng nghe những chia sẻ và cảm nhận “bí quyết thành công” chính là nằm trong tay bạn và năm tháng tuổi trẻ là “bệ đỡ” tốt nhất cho tương lai!

 …THỜI SINH VIÊN… 

PV: Nếu được chọn lại, anh có tiếp tục chọn Xây dựng là cuộc sống mình?

Anh Thế Anh: Có chứ! Từ lúc đi mẫu giáo, nhìn qua cửa sổ, anh đã thấy toàn cảnh công trường xây dựng một công trình với rất nhiều máy trộn bê tông, xe đổ ben cát đá.Công trình đó bé thôi nhưng người ta thi công lâu lắm, dễ phải đến 15 năm, nhiều khi người ta ngừng thi công vì lý do gì đó khá lâu. Gắn với cẩu thiếu nhi, máy trộn bê tông, xe đổ ben cát đá, tôi vôi, xây gạch và bắc giáo từ bé. …Bọn trẻ con chúng anh leo trèo, chạy nhảy, chơi trốn tìm và cả bê trộm gạch… bày đủ trò ở công trình đó. Chính những điều đó đã giúp anh có những động lực để chọn ngành xây dựng ngay từ bé 😀

PV: Theo kinh nghiệm của anh thì những môn học nào trong trường sẽ “giúp ích” nhiều nhất cho các kỹ sư kinh tế xây dựng khi đi làm?

Anh Thế Anh: Môn nào cũng có ích cả. Điều quan trọng là bạn biết ứng dụng đúng lúc. Có câu “Người thông minh là người đọc nhiều, nhớ nhiều và ứng dụng được được những điều đó đúng lúc. Chẳng hạn như môn như triết học, có thể bạn rất chán lúc học và thấy không hữu ích. Nhưng Triết có rất nhiều điều trong đó giúp bạn thành công. Ví dụ: Câu “Tích lũy đủ về lượng sẽ đạt sự nhảy vọt về chất” rất hay. Khi đi làm bạn sẽ cần câu này để tích lũy một cách kiên trì về năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm và cần có thời gian để kiên nhẫn chờ đợi cơ hội, thành công đến với mình. Hoặc câu “Không ai tắm trên một dòng sông hai lần”, nếu thấm điều này thì mỗi sự kiện xảy ra với cuộc đời bạn đều nên trân trọng (đặc biệt là sự kiện tích cực và những kỉ niêm vui như thời sinh viên). Hay là môn Pascal nhiều bạn cũng kêu chán, nhưng nếu bạn áp dụng những gì đã học từ môn này vào Excel thì sẽ thuận lợi vô cùng. Môn tổ chức xây dựng: Không chỉ dùng trong công việc, nó còn giúp bạn lập kế hoạch cho cuộc đời. Nếu coi: Xin việc, thăng tiến, học nâng cao trình độ, mua nhà, lập gia đình, mua xe hơi… là những công tác thì bạn cần lập biểu đồ và tìm ra được đường găng cho cuộc đời mình.

PV: Kỉ niệm thời anh nhớ nhất thời sinh viên là gì?

Anh Thế Anh: Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là lần được lên báo bởi dám cả gan từ chối không cho một bạn gái cùng lớp xin ngồi sau đi nhờ xe, vì sợ :). Điều đáng nói là SV Xây dựng thường rất ga lăng, hơn nữa khi đó rất hiếm con gái, nên một man xây dựng nào đó được một cô bạn nhờ chở phải là một “vinh hạnh, ưu ái” ghê lắm, thế mà mình lại chối.

Hay những đợt đi liên hoan cả lớp, ai cũng đòi uống với “bác Cả” 1 chén (lớp chỉ có khoảng 50 chú thôi và mình già nhất khóa nên anh/em gọi là bác Cả) .

Nhớ lần bọn mình đo đạc sân trường, lấy số liệu đưa vào phần mềm Surfer chạy ra …thì lại là 1 cái ao trên đỉnh núi 😀

Rồi còn cả những buổi đi học, mình và mấy bạn nữa ngày nào cũng ngồi bàn đầu, soi thầy rất chăm chú, Thầy Quân thâm chí phải bảo ngày nào đến lớp cũng rất “kinh” vì có 4 vị quan tòa bàn đầu nên phải “học bài” ở nhà cần thận trước khi đi dạy. Có lẽ vì áp lực giai đoạn này mà Thầy Quân mới giỏi thế :D….

Nhớ những buổi trưa chạy vội xuống cantin làm tô mì còn chưa kịp nở, tranh thủ ngủ trưa trên ghế, chiều học tiếp…Còn rất rất nhiều kỷ niệm nữa mà chắc chắn mình sẽ không bao giờ quên….

….SỰ NGHIỆP….

PV: Anh có thể chia sẻ một chút về những ngày đầu mới đi làm của mình?

Anh Thế Anh: Đầu tiên đi làm mình làm ở Cofico. Ngày đầu đến Văn phòng Cty được Sếp gọi ra ô tô đi thị sát công trường cùng, sướng rung rinh, vì mọi người bảo chẳng ai được Sếp ưu ái thế đâu, chắc chú có hồ sơ xin việc đẹp nên mới được thế :-p. Mình tham gia gói thầu thi công dãy biệt thự đầu tiên ở ở công trường Ciputra (đối diện quận ủy Tây Hồ), công trường khi đó là vườn đào Nhật Tân mới san mặt bằng, những ngày đầu từ trung tâm thành phố đi đến đó làm việc có cảm tưởng như là đi về quê, cảm giác cô đơn (vì toàn người lạ), nhớ bạn bè, thầy cô và những người mà mình có thể tâm sự. Cái cảm giác như chim non mới ra ràng, tự bay (trước đó làm đồ án có thói quen trao đổi bạn bè, thầy cô).

Mình làm cán bộ kỹ thuật ở công trường, đi qua chỗ một chú công nhân đang xây móng, vẩy vữa ra bắn vào quần mình, cứ em xin lỗi “cán bộ” mãi… hóa ra do mình mặc áo trắng, “đóng thùng” và đội “mũ cối trắng”.

PV: Những kĩ năng nào anh cho là cần thiết các bạn sinh viên phải có trước khi đi làm?

Anh Thế Anh: Sử dụng tốt công cụ lao động. Nói điều này với tư cách là người đi xin việc và là người tuyển dụng. Tân kỹ sư đi làm: Gõ thì chậm, lò dò mổ cò, muốn gõ thì phải tìm phím nào đó 1 lúc mới thấy. Word thì trình bày xấu, lỗi chính tả lung tung. Excel thì kém, AutoCad vẽ cũng xấu, nói là thành thạo phần mềm dự toán nhưng chỉ thấy ở trên đơn xin việc thôi, máy tính trục trặc đơn giản không biết tự khắc phục… Kỹ sư không dùng được công cụ này điều này giống y như thợ xây không biết cầm bay.

– Chủ động trong công việc: Chịu khó nghĩ, tìm cách tự giải quyết vấn đề trước khi định hỏi hoặc kêu gọi trợ giúp. Rèn thành tác phong, kỹ năng

– Sáng tạo: Các bạn có thói quen lấy đồ án năm trước làm lại tương tự, nhưng hãy tập thói quen phải có ít nhất một thứ gì đó là của mình mới trình bày trong đó. Chẳng hạn viết thêm vài trang hoặc 1 đoạn nghiên cứu và chủ động say sưa trình bày với thầy lúc bảo vệ đồ án, nếu được vậy thầy sẽ chăm chú nghe và hết thời gian hỏi, khỏi phải lo thầy sẽ hỏi gì :D. Sau này sếp giao việc gì đó, ngoài làm tốt như người khác đã làm cần phải có ít nhất một vài cải tiến mang màu sắc của mình. Bạn sẽ là người dẫn dắt các “câu chuyện” cuộc đời mình. 

PV. Anh sẽ đánh giá nhân viên cấp dưới của mình theo các tiêu chí nào?

Anh Thế Anh: Trung thực, kiêu hãnh và trọng danh dự.

– Quyết tâm sắt đá hoàn thành công việc bằng được, không nề hà việc gì: Được sếp giao nhiệm vụ là làm, thậm chí tự giác nhận làm. Nói thật nhìn ai đó hay lẩn việc, né việc, dừa việc và “khôn lỏi” là sếp thấy ngay.

– Luôn sẵn sàng vui vẻ nhận mọi nhiệm vụ, thấy được lợi ích nhiều mặt qua công việc mình làm chứ không phải chỉ là vì tiền, phải có tiền mới làm. Có thể không có tiền nhưng có chi phí cơ hội. Từ việc này mới dẫn đến việc khác.

– Ham học hỏi và nhanh chóng thay đổi mình: Anh thường chấp nhận nhân viên của mình là nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm, chưa biết việc và sẵn sàng đào tạo. Anh cho họ thời gian. Điều anh mong muốn nhất là họ cần nhận thực được mình là còn kém và nhanh chóng thay đổi điều đó. Nhưng nói chung hồi này ít nhân viên nhận thức được điều đó: Facebook, Yahoo Messenger, Game và các vấn đề khác cuốn hút họ. Anh xác định là Facebook, YH không phải là điều xấu, nhưng phải làm nhanh, làm tốt công việc trước đã.

PV: Mức lương nào anh cho là hợp lý đối với kỹ sư kinh tế XD khi mới ra trường?

Anh Thế Anh: Một kỹ sư bình thường như mọi kỹ sư khác 4-7 triệu. Mới ra trường các bạn cần tự tồn tại để học hỏi tích lũy công việc thực tế đã. Khi đã thực sự đáp ứng tốt công việc thì mới nghĩ chuyện tăng lương, kiếm vị trí có lương cao hơn hoặc làm thêm tăng thu nhập… Cần lưu ý là: Nếu bạn làm cho công ty nào đó thì bạn phải tạo ra giá trị nhiều hơn tiền lương bạn nhận. Nhiều bạn nhận lương nhưng chẳng có ý định nỗ lực thay đổi mình để tạo ra giá trị cho công ty lớn hơn số mình đã tiêu hao.

PV: Anh đánh giá thế nào về yếu tố “quen biết, quan hệ” khi đi làm?

Anh Thế Anh: Rất quan trọng. Ở đây có nên hiểu theo nghĩa tích cực của yếu tố quen biết, quan hệ:

– Quen biết, quan hệ để xin việc, để tìm 1 cơ hội tốt cho mình. Thậm chí là con ông, cháu cha xin vào vị trí ngon lành. OK. Điều này tốt thôi, ai có xuất phát điểm cao, khuyến khích. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành xấu hoặc tiêu cực nếu bạn nhờ quan hệ và ngồi vào, chiếm chỗ mà không phát huy được, không mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.

– Quen biết, quan hệ để tạo ra các mối công việc, kéo các hợp đồng về cho cơ quan, cho mình và anh/em cùng làm. Người nào có cái quen biết, quan hệ này thì cực quý, cực tốt và luôn có thu nhập cao (thậm chí có thể chỉ huy, điều khiển được những người khác).

 PV: Trong tình hình kinh tế hiện nay, theo anh, cơ hội vào thách thức cho kỹ sư KTXD là gì?

-Anh Thế Anh: Trong tình hình hiện nay, theo anh có rất nhiều cơ hội và cả thách thức cho các kỹ sư xây dựng. Đối với thách thức có thể kể đến như:

– Ngành xây dựng đang khó khăn về việc làm, đi xin việc cũng khó khăn hơn trước, tìm được công việc có thu nhập cao cũng khó.

– Dự án ngày càng lớn và phức tạp, trong khi việc tiếp cận thông tin – kiến thức qua mạng dễ dàng nên trình độ các đối tác cũng ngày càng cao hơn: Yêu cầu xuất phát điểm các bạn phải giỏi hơn các thế hệ ra trường trước.

– Sinh viên đa phần ở tỉnh về HN, tp HCM học tập: Nhà cửa – “an cư lạc nghiệp” cũng là thách thức của các bạn.

Nhưng cũng không thể không kể đến muôn vàn cơ hội cho những người biết tìm tòi, khám phá:

– Cơ hội học tập nâng cao trình độ, nguồn học liệu ngày một phong phú;

– Nhà nước và xã hội ngày càng tạo nhiều điều kiện cho công dân được sáng tạo, thực hiện các ý tưởng hữu ích của mình…

PV: Theo anh, như thế nào được gọi là thành công sau 1 năm ra trường đi làm?

Anh Thế Anh: Công việc ổn định. Đáp ứng tốt công việc được giao, khẳng định được vị trí (khẳng định luôn SV ĐHXD nói chung và khoa KTXD – ĐHXD nói riêng được đào tạo tốt).

Có thêm các quan hệ tiềm năng.

Có một mức lương tạm đủ chi tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Không bị xì căng đan nào trong công việc do sai sót J

Thăm hỏi gia đình, bố mẹ và thông tin anh/em bạn bè thường xuyên.

Tiếng Anh đã giỏi hơn và đang tiếp tục học. Các phần mềm dùng cho công việc đã thành thạo

…HÔN NHÂN – ĐIỂM TỰA ĐỂ THÀNH CÔNG…

PV: Được biết anh lập gia đình khá sớm, có lý do gì “đặc biệt” không ạ, và a sẽ khuyên các bạn nam nên lấy vợ sớm hay muộn ạ?

Anh Thế Anh: Không có lý do gì đặc biệt. Nhiều người nghĩ bọn anh ăn cơm trước kẻng. Nhưng hai vợ chồng anh lấy nhau hơn 1 năm vợ anh mới mang bầu :). Đơn giản là chúng anh đã tìm thấy nhau từ sớm :X

Cái gì “quá” cũng không tốt. Tuy nhiên, anh đã đọc một bài viết về một nghiên cứu khoa học của Mỹ, đề tài đã khảo sát rất nhiều người thì: những người có gia đình sớm thường thành công và tích lũy được nhiều tiền bạc hơn. Điều này cũng đúng thôi bởi vì họ phải lo cho gia đình và có một cái hom giữ tiền từ sớm J.

Trong trường hợp của anh có gia đình từ sớm, mình có thuận lợi là sớm tề gia, từ đó có nhiều thời gian cho công việc, nghiên cứu. Điều anh thấy lợi ích nhất là mình còn trẻ và con mình lớn nên coi nhau như những người bạn, mình dễ dạy và nói chuyện với con hơn, sát với tâm lý, suy nghĩ (nhất là khi con ở lứa tuổi “nổi loạn” trẻ dễ dàng tâm sự và khuyên nhủ con so với người lớn tuổi hơn). Ngoài ra anh có thời gian dạy dỗ con mình dài hơn trong cuộc đời và khi anh nghỉ hưu, chắc con vững vàng rồi, nếu mình có mệnh hệ gì không lo nhiều nữa =)).

PV: Hẳn chị nhà đóng vai trò hết sức quan trọng trong con đường sự nghiệp của anh?

Anh Thế Anh: Quan trọng số 1. Hồi học toán cao cấp, thầy Sơn trong một giờ dạy có nói với chúng anh: Người con trai (xây dựng) muốn thành công thì ngoài tài năng thì còn phải có người bạn gái thông minh giúp đỡ. Thật may mắn anh có người bạn gái đúng như thế. Còn với các bạn gái xây dựng thì cần có một đại gia làm chỗ dựa (đại gia không chỉ bao hàm ý nghĩa là nhiều tiền, giàu có).

PV: Nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa giữ gìn hạnh phúc gia đình và phát triển sự nghiệp, a sẽ chọn điều gì?

Anh Thế Anh: Anh chọn giữ gìn hạnh phúc gia đình. Sự nghiệp cao cả nhất của mình là con cái và gia đình. Quan điểm của anh: Thành công nhất của một người đàn ông là thế hệ sau (đàn ông ở đây là quen miệng, ý bao gồm cả 2 vợ chồng, cả 2 giới).

PV: Anh có thể chia sẻ một số dự án giúp đỡ sinh viên anh đã và đang thực hiện? Có người cho rằng đấy là 1 cách để anh PR bản thân, điều đó có làm anh chạnh lòng?

Anh Thế Anh: “Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng và quảng bá. Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ.” Đây là 1 câu anh học được qua chương trình tư duy triệu phú muốn gửi chia sẻ với các bạn sinh viên.

Không chỉ PR bản thân mà anh PR cả cơ quan anh (Viện Kinh tế xây dựng) và Công ty Giá Xây Dựng, website Ngôi nhà xây dựng giaxaydung.vn. Anh luôn đánh giá cao thương hiệu và uy tín cá nhân. Anh rất thích những cái tên như: Phạm Sỹ Liêm, Lê Kiều, Nguyễn Đình Cống, Đinh Đăng Quang hoặc Dương Trung Quốc… Bạn muốn mời họ đến hội thảo chắc chắn khó và phải đặt hàng, đặt lịch – đó là những thương hiệu cá nhân, công chúng cực kỳ thành công. Đây là lý do vì sao tham gia mọi diễn đàn chuyên môn anh đều lấy nick là nguyentheanh, giaxaydung mà không phải là 1 cái nick xì teen nào đó :). Bạn có thấy các ca sĩ khi tham gia tiếng hát truyền hình, cặp đôi hoàn hảo, the voice… trên truyển hình rất dễ được công chúng biết đến, sau cuộc thi họ trở nên nổi, thành công và kiếm được nhiều tiền sau đó? Vậy tại sao bạn ko làm như họ? vào một sân khấu chẳng hạn như giaxaydung.vn, đăng ký 1 nick với tên mình và bắt đầu nghiên cứu, thảo luận cách sôi nổi để xây dựng một thương hiệu để vài năm sau sẽ “hái ra tiền”, “hái ra quan hệ” cho mình :).

Từ những dự án này anh nhận lại nhiều: Thỏa mãn đam mê và khát vọng đóng góp vào việc tạo ra lớp người mới có khả năng thay đổi đất nước, nền kinh tế. Cơ hội để tuyển dụng nhân viên tốt, người giúp sức mình. Giới thiệu được những sản phẩm và dịch vụ tốt của mình. Công ty và sản phẩm gắn với các hoạt động xã hội tốt sẽ dành được tình cảm của nhiều người (nhiều khi là phụ huynh, anh chị của các bạn sinh viên từ khắp các địa phương, vì rất nhiều số họ làm xây dựng rồi mới cho con đi học nghề xây dựng…). Tìm kiếm ứng viên cho các dự án của mình sắp tới. Huấn luyện nhân viên tương lai cho mình. Nhiều lắm!

Vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến không mệt mỏi, anh Thế Anh thực sự là một tấm gương sáng cho CEM-ers chúng ta noi theo. Xin chúc anh hạnh phúc và thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình.